'Sống' và 'Động' trong khu phố cổ

16/11/2016 10:19 AM

(Chinhphu.vn) - “Sống” và “Động” ngày đêm tại phu phố cổ là sự chung tay không chỉ của riêng của mỗi cư dân với bản tính luôn vận động, sáng tạo, linh hoạt thích ứng thời cuộc mà còn là công sức của chính quyền Thành phố trong giữ gìn, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội.

Nghề đúc thiếc làm đồ gia dụng trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hòa An

Nỗ lực phát huy giá trị khu phố cổ

KTS. Nguyễn Phú Đức, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, “sống” và “động” luôn gắn liền với khu phố cổ Hà Nội. “Sống” gắn liền với lợi thế, giá trị đất tại khu phố cổ, từ xa xưa nơi đây xuất hiện câu vè đối từ “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê phố cổ”. Vì vậy, không cần đến việc bảo tồn, phát triển du lịch thì nơi đây vốn đã và vẫn luôn sống động. Đó là những minh chứng về sự sống của phố cổ Hà Nội, tạo sự khác biệt với các khu phố cổ khác ở Hội An, Huế hay Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính ưu thế giá trị liên quan đến “sống” mà vô tình trở thành yếu tố cản trở cho công tác bảo tồn công trình giá trị hoặc giãn dân ra khu vực mới khi dự án giãn dân phố cổ được lập từ hơn chục năm nay nhưng vẫn khó thực hiện dứt điểm bởi người có thể đã đi nhưng lòng đều chắc chắn muốn giữ ở lại, không muốn cắt hộ khẩu trong phố cổ để được hưởng các lợi thế về trường điểm, bệnh viện, dịch vụ… chất lượng cao trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, KTS. Nguyễn Phú Đức cho rằng, phố cổ Hà Nội không sống kiểu nằm yên hưởng lộc từ giá trị khu phố cổ mà chính người dân đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ để tiếp tục phát huy lợi thế của khu vực và thực sự phố cổ đã chuyển động mạnh, kể từ đơn vị quản lý đến nhân dân trên địa bàn. Khu phố cổ đã biến hóa để thích nghi, khai thác tối đa giá trị đất vốn cao nhất cả nước và diện tích ô đất cũng vào loại nhất cả nước về độ nhỏ, hẹp.

Đó là sự chuyển động từ phía dân, từ phía chính quyền Thành phố làm sống động khu phố cổ Hà Nội.

Hà Nội đã làm sống động các hoạt động về đêm, qua hoạt động văn hóa tái tạo các lễ hội truyền thống về phường nghề, cuộc sống xưa, hát chầu văn; biểu diễn ca nhạc, văn nghệ với các nhạc cụ hiện đại, dân tộc tại các nút giao thông, hay trước cửa đình, di tích trên các tuyến phố, các di tích trong trong khu bảo tồn cấp một.

Thành phố đã nỗ lực giải phóng mặt bằng, khôi phục các điểm di tích gắn với phố cổ như đền Bạch Mã, đình Nam Hương, đình Yên Thái, chùa Lý Quốc Sư, chùa Bà Đá, đình Nam Hương, đền Quan Đế, đình Kim Ngân, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, chùa Cầu Đông, đình Đức Môn, đình Đông Thành, đình Tú Thị, quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, đình Tân Khai, chùa Thái Cam... Cải tạo chỉnh trang Trường Tiểu học Hồng Hà (40 phố Lãn Ông), chiếu sáng cảnh quan, công trình, tiện ích đô thị, các khu vệ sinh hiện đại…

Đặc biệt, khi Thành phố tổ chức các tuyến phố đi bộ, mở rộng khu vực đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, cho phép giờ hoạt động của các quán bar đến 2h sáng đã tạo thêm công ăn việc làm cho mọi cư dân phố cổ, tạo ra không gian đi bộ cuối tuần đã nhận được sự hưởng ứng của người dân và thu hút thêm khách du lịch đến Thủ đô.

Sự “sống động” của khu phố cổ đã thu hút những đơn vị, tổ chức nước ngoài quan tâm, hỗ trợ. Năm 1999, thành phố Toulouse (Pháp) đã hợp tác nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí bảo tồn ngôi nhà cổ đầu tiên số nhà 87, phố Mã Mây nhằm giới thiệu đến du khách cách bảo tồn nhà ở truyền thống, nâng cao điều kiện sống. Dự án này đã làm thay đổi phố Mã Mây từ một phố không đông trở thành khu vực đô thị phát triển du lịch. Năm 2000, thành phố Toulouse hỗ trợ kinh phí trùng tu đình Đồng Lạc số nhà 38, phố Hàng Đào. Từ năm 2000 - 2002, thành phố Toulouse, vùng Thủ đô Bruxelles (Vương quốc Bỉ) thực hiện dự án Asia Rehab do Liên minh Châu Âu hỗ trợ “ Nâng cao điều kiện sống cho người dân Phố cổ Hà Nội”, đề xuất giải pháp kỹ thuật cho bảo tồn và cải thiện điều kiện sống của người dân, là tiền đề quan trọng cho các dự án triển khai sau này và là cơ sở để Liên minh châu Âu tiếp tục hợp tác với thành phố Hà Nội về bảo tồn di sản. Các số nhà tiếp tục được trùng tu:19 Hàng Đồng, 51 Hàng Bạc, 135 Hàng Bạc, 105 Hàng Buồm...

KTS. Nguyễn Phú Đức cho rằng, phố cổ Hà Nội tự thân đã “sống” thì chính quyền và nhân dân khu phố cổ đang làm sống động thêm, bổ khuyết tăng cường chức năng mới để khu phố cổ không chỉ là minh chứng của một thực thể trong cấu trúc đô thị Hà Nội xưa mà còn là thể hiện sức sống của sự quản lý, kiểm soát hiệu quả.

Đa dạng phố nghề

Một trong những yếu tố góp phần làm cho phố cổ Hà Nội luôn sống động chính là sự đa dạng phố có nghề, một trọng những giá trị lịch sử của Thủ đô. Theo PGS. TS Đỗ Thị Hảo, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chỉ nói riêng về nghề thủ công trong khu phố cổ Hà Nội, từ xa xưa, những người thợ tài hoa của bốn phương giỏi một nghề nào đó và mang nghề đó từ quê hương lên kinh thành Thăng Long xưa làm ăn đua tài. Ở đây diễn ra sự cạnh tranh rất gay gắt, những thợ vụng, thợ vườn không thể sống và tồn tại được ở kinh kỳ “kẻ chợ”, họ buộc phải trở về làng cũ.

Những thợ giỏi tài hoa ở lại lập ra các phố nghề (ba sáu phố phường Hà Nội), mỗi phố nghề là của một hay nhiều làng nghề như: Nghề đúc bạc, đổi bạc (phố Hàng Bạc), gốc ở làng Châu Khê (Bình Giang - Hải Dương). Nghề kim ngân (phố Hàng Bạc) gốc làng Đồng Sâm (Thái Bình) và làng Định Công (Thanh Trì - Hà Nội); nghề gò đồng (phố Hàng Đồng) gốc làng Đại Bái (Gia Lương - Bắc Ninh); nghề nhuộm điều (Hàng Đào) gốc ở Đan Loan (Hải Dương); nghề in mộc bản (phố Hàng Gai), gốc thợ Liễu Chàng (Gia Lộc, Hải Dương); nghề làm quạt (phố Hàng Quạt) gốc làng Đào Xá (Ân Thi, Hưng Yên)…

Từ làng quê, những người thợ mang lên kinh đô thờ vọng Thành hoàng, Tổ nghề của chính quê mình và lập ra hệ đình, đền thờ tổ nghề, chùa ở các phường phố. Vậy là nếu xét theo nguồn gốc xuất hiện thì các phố nghề ở nội đô vốn là một yếu tố ngoại sinh của kinh kỳ kẻ chợ. Hiện nay một số các đình, đền thờ tổ nghề đã được tu tạo, phục dựng khang trang, hoành tráng (Đình Kim Ngân, Đình Hàng Đào, Đền Trúc Lâm, Đình thợ thêu…).

Ngày nay, phố cổ Hà Nội cũng chuyển mình và thay đổi rất nhiều so với trước đây. Nhiều con phố còn giữ được nghề truyền thống, mặt hàng gia truyền đúng theo tên gọi từ thưở sơ khai của nó như : Hàng Bạc, Hàng Thiếc, phố Lãn Ông, Hàng Mã… và có những con phố nay chỉ còn được nhắc đến với cái tên mà không còn buôn bán những sản phẩm truyền thống hay lưu giữ lại nghề gia truyền, như: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Khay, Hàng Vôi, Hàng Nón, Hàng Điếu…

Hòa An

Top