Siết chặt công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường

22/04/2024 6:16 PM

(Chinhphu.vn) - Trước thực trạng tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Hà Nội, các đơn vị liên quan cần tăng cường, siết chặt hơn nữa công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Gần 1.500 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính về môi trường

Năm 2023, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thành lập 90 đoàn thanh, kiểm tra tại 2.958 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 1.474 cơ sở với tổng số tiền gần 20 tỉ đồng.

Siết chặt công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường- Ảnh 1.

Chung tay bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Ảnh minh họa

Trong số này, các đơn vị của Công an thành phố lập hồ sơ đề nghị các cấp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1.285 vụ việc, xử phạt tiền 1.179 vụ việc, với tổng số tiền gần 10,7 tỉ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thành lập 17 đoàn kiểm tra, đã kiểm tra tại 110 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính và tham mưu UBND TP. Hà Nội xử lý vi phạm hành chính đối với 14 cơ sở vi phạm pháp luật, với tổng số tiền xử phạt là gần 13 tỉ đồng.

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã cũng tích cực kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã thành lập 71 đoàn kiểm tra 1.535 cơ sở và xử lý 281 cơ sở vi phạm với số tiền gần 8 tỉ đồng.

Ông Trịnh Việt Dân, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong thời gian qua Sở đã tăng cường công tác thanh tra, phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố đặc biệt gây ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân.

Tại một số làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các đoàn kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm chủ yếu là đổ thải không đúng quy định, vận chuyển chất thải không che chắn để rơi vãi ra đường, vứt rác thải nơi công cộng, vệ sinh không đúng nơi quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn, không tiến hành thu gom chất thải nguy hại theo quy định.

Cụ thể, tại quận Nam Từ Liêm, đoàn thanh tra phát hiện và xử phạt 8 vụ xe chở vật liệu xây dựng rơi vãi ra đường, 25 vụ đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định, 2 vụ đổ nước thải nơi công cộng, 8 vụ vứt rác thải sinh hoạt... với tổng số tiền xử phạt vi phạm hơn 800 triệu đồng.

Quận Hà Đông xử phạt vi phạm hành chính 245 vụ với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng về các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Tại Huyện Sóc Sơn phát hiện Công ty cổ phần Sân golf Hà Nội có địa chỉ tại xã Minh Trí nhiều năm hoạt động không có giấy phép về môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định. Điều bất cập là sai phạm này của công ty tồn tại hàng chục năm nay, dù hằng năm các phòng, ban, đơn vị của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều tổ chức thanh tra, kiểm tra...

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời

Cho ý kiến đánh giá về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, một số chuyên gia môi trường đánh giá, sở dĩ việc còn tồn tại những vi phạm trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua cho thấy, công tác quản lý, xử lý của các sở, ngành và địa phương vẫn còn những hạn chế, bất cập. Công tác hậu kiểm cũng chưa được chú trọng dẫn đến vi phạm chậm được khắc phục, thậm chí tái vi phạm xảy ra khiến môi trường đất, nước, không khí ở Hà Nội ngày càng ô nhiễm. Do đó, các đơn vị liên quan cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý về bảo vệ môi trường luôn được Sở chú trọng, tăng cường và đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.

Cụ thể, năm 2020, đã có Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa được đề cập, không có điều khoản chuyển tiếp quy định xử lý các hành vi, dẫn đến việc khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, trong quá trình hướng dẫn, thi hành luật, trong công tác xử lý vi phạm, xử phạt hành chính, cưỡng chế thực hiện xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá, mặc dù tỉ lệ các đơn vị được thanh, kiểm tra đã có các thủ tục trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước cao; tuy nhiên, một số đơn vị do còn thiếu hiểu biết nên việc chấp hành các yêu cầu, cam kết theo nội dung được phê duyệt (báo cáo môi trường thường kỳ, quan trắc định kỳ, thực hiện nộp nghĩa vụ tài chính về phí nước thải công nghiệp...) còn hạn chế và chưa được đầy đủ…

Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để hạn chế phát sinh vi phạm trong lĩnh vực môi trường, Sở đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Sở chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo nước thải, khí thải đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, Sở đề xuất thành phố tăng cường nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đấu nối nước thải về trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn thành phố. Tăng cường nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu dân cư, làng nghề…

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị hàng năm chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí (đặc biệt là kinh phí lấy mẫu và phân tích chất thải), nhân lực, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường và việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải của các đơn vị trên địa bàn theo thẩm quyền; phối hợp tham gia công tác thanh, kiểm tra do cơ quan cấp trên tổ chức…

Thùy Chi

Top