Khai mạc Triển lãm Linh vật Việt

22/11/2016 1:30 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giới thiệu đến thế hệ trẻ về ý nghĩa của các hình tượng linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống Việt. Sáng 22/11 tại Bảo tàng Hà Nội đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt”. Đây là hoạt động nằm trong kỷ niệm 12 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (2005-2016).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch Hà Nội cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Với hơn 200 hình ảnh linh vật sưu tầm tại các di tích kết hợp với hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm phục dựng linh vật do nghệ nhân, nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện. Với lối trưng bày sinh động, hiện đại, kết hợp với tương tác 3D về linh vật, triển lãm đã tạo được ấn tượng và hấp dẫn người xem.

Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại như: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, chó, rùa, cá… do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ.

Ở nước ta hiện nay, trong di tích, bảo tàng và các sưu tập tư nhân còn lưu giữ được rất nhiều hình ảnh linh vật trên tác phẩm tranh tượng, phù điêu… Nhưng thời gian qua, do có sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, trong đời sống xã hội những biểu tượng linh vật của người Việt dường như đã bị lãng quên thay vào đó là các sản phẩm biểu tượng linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa Việt Nam đứng trước nguy cơ xóa nhòa.

Qua triển lãm chuyên đề: “Linh vật Việt” sẽ giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của linh vật Việt Nam cũng như diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của chúng, khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ đó nâng cao ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.          

Một số hình ảnh tại Triển lãm:

Nghệ nhân lang nghề mộc cổ truyền Chàng Sơn thể hiện phục dựng tượng mẫu tượng nghê thế kỷ 17.
Mẫu tượng nghê thế kỷ 17 được nghệ nhân xã Chàng Sơn phục dựng. Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, nơi đây có nghề truyền thống và nổi tiếng nhất là nghề mộc.
Với tạo hình gần gũi với chó nhà, Nghê mang trên mình những biểu tương cầu mong mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở-tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp.
Voi tượng trưng cho sức mạnh, sự kiên định, sự an lành, bình an. Hình tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi đã khá quen thuộc trong nghệ thuật Phật giáo.
Bực tượng Nghê thế kỷ 17.

     

Linh vật còn được trang trí ở trên gạch của những công trình kiến trúc như đình,chùa.
Rồng - biểu tượng cho uy quyền nhà vua.
Lá đề cân đất nung tạo hình Rồng, Phượng: Thường trang trí trên đỉnh, chính giữa bộ mái Kiến trúc.
Triển lãm tuy mới trưng bày 1 phần nhưng thu hút khá nhiều người xem.

Nhật Bắc (thực hiện)

Top