Hà Nội đạt mục tiêu đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử

25/04/2024 2:05 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, đứng thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm.

Hà Nội đạt mục tiêu đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử- Ảnh 1.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của người dân Thủ đô. Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024.

Theo đó, điểm trung bình của chỉ số năm nay là 23,1 điểm. Khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành còn lại là rất lớn. Khoảng cách giữa thành phố Hồ Chí Minh so với tỉnh thấp nhất trong bảng xếp hạng là 76,4 điểm.

Đặc biệt, báo cáo năm nay nhấn mạnh tới vấn đề rác thải nhựa từ thương mại điện tử nhằm kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng giảm tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

Cuối tháng 12 năm ngoái, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 với quyết tâm sẽ giữ vững xếp hạng từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 53%.

Về thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, thành phố phấn đấu đạt 48%; các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 69%.

Về website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, thành phố phấn đấu đạt 79%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 49%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 39%.

Song song đó, thành phố duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc. Khai thuế, nộp thuế điện tử, duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt 100%.

Hoàn thuế điện tử 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp, tổ chức đăng ký phát hành hóa đơn điện tử; 95% doanh nghiệp, tổ chức đăng ký phát hành sử dụng Hóa đơn điện tử; đưa vào quản lý 90% số cơ sở kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn thành phố (loại trừ các trường hợp hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ...).

Về tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt, thành phố phấn đấu đạt 100%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 100%...

Thành phố cũng tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Đồng thời, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; bảo đảm an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, thành phố còn phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics trên địa bàn thành phố và mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, bao gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Báo cáo tiếp tục chỉ ra sự cần thiết phải triển khai các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết ba vấn đề lớn gồm: Khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường.

Ngoài ra, Báo cáo cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá hiện trạng, ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến, công nghệ giáo dục và công nghệ y tế. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể đề xuất các hoạt động cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung, qua đó góp phần phát triển thương mại điện tử tại địa phương.

Minh Anh

Top